Mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân
Để việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (viết tắt Nghị quyết 54), các giải pháp cần thực hiện đồng bộ và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Vì vậy, bên cạnh tập trung thực hiện khẩn trương thì còn phải lưu ý đến việc giải quyết các bức xúc và nâng cao chất lượng sống của người dân TP. Hồ Chí Minh.
Cơ chế đặc thù sẽ tạo động lực phát triển cho TP. Hồ Chí Minh
Tận dụng cơ hội
Nghị quyết 54 đã nêu các nội dung cụ thể. Do đó những nội dung nào thuộc thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh thì cần triển khai thực hiện ngay. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương thì TP. Hồ Chí Minh cũng cần tập trung xây dựng, trình với thời hạn càng sớm càng tốt.
Ví dụ, vấn đề một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường thì Hội đồng nhân dân thành phố phải đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Như vậy, đầu tiên các sở ngành phải gấp rút xây dựng danh mục, mức thuế suất, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố để trình Hội đồng nhân dân thành phố . Còn các vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh như phân cấp, ủy quyền thì cũng cần sớm thực hiện. Việc củng cố, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, tinh gọn bộ máy, huy động vốn (với tỷ lệ nợ vay được tăng lên) cũng thuộc phạm vi, thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 không nhiều, chỉ 3 năm. TP. Hồ Chí Minh sẽ phải sơ kết vào năm 2020 và đến năm 2022 sẽ tổng kết thực hiện. Thời gian không dài nên TP. Hồ Chí Minh phải tận dụng cơ hội, thực hiện hết sức khẩn trương để sớm triển khai đưa vào cuộc sống.
Ví dụ, Nghị quyết 54 cho phép TP. HỒ CHÍ MINH tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức 1,8 lần. TP. Hồ Chí Minh đặt lộ trình tăng từng năm với mức tăng. Song, tôi cho rằng đây là đề án đem lại niềm vui cho cán bộ, công chức, viên chức nên TP. Hồ Chí Minh cần tận dụng cơ hội, tăng càng sớm càng tốt. Nếu điều kiện cho phép thì có thể áp dụng ngay vào năm 2019, tăng mức tối đa 1,8 lần. Cần lưu ý, khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề án thu nhập tăng thêm thì gắn liền với đó là phải sắp xếp, tổ chức bảo đảm tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Các giải pháp phải đồng bộ, tạo sự đồng thuận
Trong thực tế, TP. Hồ Chí Minh trông chờ các cơ chế, chính sách đặc thù từ lâu. Do đó, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 thì cả TP. Hồ Chí Minh vào cuộc ngay, các văn bản dưới dạng dự thảo đã được xây dựng xong. Sau đó, TP. Hồ Chí Minh đã rất quyết liệt ban hành hàng loạt các văn bản triển khai Nghị quyết 54. Đó là Nghị quyết 08, Kế hoạch 171 của Ban Thường vụ Thành ủy, Nghị quyết 25 của Hội đồng nhân dân thành phố và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân thành phố. Hiện nay Uỷ ban nhân dân thành phố đang triển khai 21 nội dung, đề án theo kế hoạch, để trình cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
Tuy nhiên, để việc triển khai Nghị quyết 54 đạt hiệu quả thì các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ. Điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Vì vậy, đối với những vấn đề có tác động đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh (đặc biệt là việc tăng phí, lệ phí, tăng thuế suất hay ban hành thêm phí, thuế mới) thì phải xem xét, thực hiện đánh giá tác động của các chính sách. Lưu ý là việc ban hành những chính sách thuế, phí không chỉ vì mục tiêu là tăng ngân sách. Nó còn phải đảm bảo mục tiêu thực hiện cơ chế điều hành chính sách vĩ mô nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm mật độ dân cư.
Thực hiện đánh giá tác động cũng đảm bảo sự yên tâm, tin tưởng từ phía người dân rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 cũng là để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP. Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP. Hồ Chí Minh… Cũng từ đòi hỏi này, các nội dung, đề án cũng cần tập trung quan tâm đến việc nâng cao chất lượng người dân, phục vụ người dân tốt hơn. Các thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh hơn, gọn hơn (thông qua việc phân cấp, ủy quyền đối với quận – huyện, phường – xã, hoặc tăng thu nhập cán bộ, công chức, viên chức để họ làm việc hiệu quả, trách nhiệm hơn)
Hiện nay, tất cả hệ thống chính trị của TP. Hồ Chí Minh đang triển khai, tuyên truyền tinh thần Nghị quyết 54 về cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận, góp phần triển khai Nghị quyết 54 được thuận lợi, nhanh chóng. Song cần lưu ý, chính quyền TPCHM cũng phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội năm 2018. Điều này có nghĩa, bên cạnh việc tập trung triển khai Nghị quyết 54, TP. Hồ Chí Minh cũng vận hành nhiều nghị quyết quan trọng khác để đảm bảo phát triển kinh tế theo các chỉ tiêu, kế hoạch được xác định nhằm đảm bảo tăng trưởng, tăng thu ngân sách.
Đầu tư cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh
Nghị quyết 54 như là một sự đầu tư của Trung ương, của cả nước đối với TP. Hồ Chí Minh. Ở đây là đầu tư cơ chế, chính sách, tạo ra thông thoáng để TP. Hồ Chí Minh có thêm nhiều nguồn thu và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương. Vì vậy, nhiệm vụ của TP. Hồ Chí Minh là khẩn trưởng triển khai các đề án hướng đến giải quyết các điểm nghẽn về quá tải trường học, bệnh biện, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường…làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ: đối với các dự án nhóm A (thuộc trách nhiệm đầu tư của trung ương), nếu chờ vốn trung ương rất lâu nên Nghị quyết 54 cho phép TP. Hồ Chí Minh ứng trước vốn, đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, đảm bảo yêu cầu giảm tắc nghẽn giao thông; từ đó góp phần phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Một khi kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển thì đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương. Và khi đó trung ương có tiền hoàn lại cho TP. Hồ Chí Minh.
Tương tự, tôi cũng quan tâm đến danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. TP. Hồ Chí Minh phải nhanh chóng xác định danh mục để thông qua,; từ đó, xem xét quy hoạch để có thể dành quỹ đất cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, cho sản xuất kinh doanh. Đây là điều quan trọng, giúp TP. Hồ Chí Minh phân bố lại nguồn lực, ưu tiên đất cho giao thông, trường học, bệnh viện.
Bài viết: PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN
(Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh)
Ảnh: Sưu tầm
(Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng online)