Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Một trải nghiệm thú vị!
25/9/2023, một buổi trưa đầy nắng dịp cuối thu nhân kỷ niệm 78 năm ngày Nam bộ kháng chiến, Chi bộ Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã có buổi sinh hoạt chuyên đề thật ý nghĩa tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn với thành phần tham dự gồm Đảng viên, thành viên Tổ tu dưỡng của trường.
Các thành viên đã có dịp tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (145, Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1) với nhiều hiện vật biết kể chuyện lịch sử, đặc biệt trải nghiệm cùng chiếc thang máy cổ có cửa được làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bằng gỗ có khắc nhiều họa tiết bên trong với diện tích nhỏ hẹp, chỉ đủ 5 người đứng chen chúc nhau. Chiếc thang máy được lắp đặt từ khi ngôi nhà được xây dựng năm 1963, tồn tại hơn nữa thế kỷ qua, là lối đi duy nhất để lên bảo tàng, là chiến thuật kéo dài thời gian của lực lượng Biệt động và hạn chế khả năng truy xét của địch trong giai đoạn chống Mỹ. Ấn tượng và xúc động trước Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn với những hình ảnh được phục dựng bằng công nghệ AI, là một công trình đầy tính nhân văn vẫn đang được tiếp tục bởi nhóm bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội như một lời tri ân của thế hệ trẻ gửi đến các thế hệ cha anh đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giành lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Những câu chuyện chiến đấu trong lòng địch của lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được minh họa bằng nhiều hình ảnh ghi lại dấu ấn các trận đánh, sơ đồ mục tiêu cần tiêu diệt và các hiện vật dùng trong nhiều năm kiên trì, bền bỉ, bí mật vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí vào Sài Gòn để phục vụ các trận đánh như: những khúc gỗ giấu vũ khí bên trong, những cần xé đựng trái cây có hai lớp đáy để giấu súng ngắn …
Rời căn nhà Bảo tàng, các thành viên được đưa đến Quán cơm tấm, cà phê Đỗ Phủ (113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1) – Nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn với sự quản lý của ông Trần Văn Lai (Năm Lai) dưới vỏ bọc Nhà thầu khoán Mai Hồng Quế. Căn nhà khi đó được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm, cà phê từ năm 1946, nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật… ra chiến khu. Các thành viên đã trải nghiệm món cơm tấm Đại Hàn (do khi đó quán là một điểm tụ họp buổi sáng quen thuộc của những cư dân lân cận, trong đó có nhiều lính Đại Hàn – lính Hàn Quốc sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam ở cư xá công binh đối diện và món cơm tấm được vợ chồng ông Đỗ Miễn phục vụ thêm món kim chi Hàn Quốc ăn kèm nên thời đó người dân xung quanh gọi là cơm tấm Đại Hàn). Đặc biêt, quán cơm này khi đó nằm sát vách nhà của ông Ngô Quang Trưởng (tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa) nên vợ chồng ông bà Đỗ Miễn phải hết sức mưu trí, cẩn trọng trong từng hoạt động nhận thư từ, thông tin liên lạc cũng như theo dõi nhất cử nhất động của phía Việt Nam Cộng Hòa.
Trong không gian ký ức của nửa thế kỷ trước, các thành viên một lần nữa được chú Nguyễn Quốc Độ – Phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định kể lại những câu chuyện lịch sử về lực lượng tiền thân sơ khai (ra đời ngày 6/1/1946) cũng như nguồn gốc tên gọi Biệt động Sài Gòn, những chiến thuật, những lối đánh đặc trưng, độc đáo, thông minh, sáng tạo (cường tập, bỏ quên, đánh bồi, đánh nổi), những điểm đặc biệt chỉ có ở đội quân Biệt động Sài Gòn đã làm nên những trận đánh lịch sử góp phần thắng lợi cho cuộc chiến tranh nhân dân ngay trong lòng địch. Những thước phim lịch sử lần lượt tái hiện lại sinh động trong từng lời chia sẻ hùng hồn của chú và từng phút giây lắng đọng khi nhắc đến những hy sinh, mất mát không thể đặt tên của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn thời bấy giờ.
Buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Trường Đoàn Lý Tự Trọng khép lại với sự gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ của người đi trước, chú Độ nói “Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao cho là giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thế hệ chúng tôi vô cùng tin tưởng giao lại trọng trách bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước cho lớp người trẻ, tiến bộ ngày hôm nay”. Trân trọng khắc ghi những giá trị lịch sử mà lớp người đi trước để lại, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Đoàn Lý Tự Trọng nhận thấy trách nhiệm bản thân cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ cá nhân góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của trường trong vai trò tuyên truyền, giáo dục, đào tạo những cán bộ Đoàn, Hội, Đội đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, năng lực và trách nhiệm, kế thừa sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà cha ông đã đánh đổi bằng máu xương và tuổi trẻ qua các cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ.
Chiếc thang máy cổ tồn tại hơn nửa thế kỷ, lối đi duy nhất lên Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Dâng hương tại Không gian Hồ Chí Minh – Tầng 3 của Bảo tàng
Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn
Tham quan Bảo tàng
Tại Quán cơm tấm Đại Hàn – Cafe Đỗ Phủ
Giao lưu cùng chú Nguyễn Quốc Độ – Phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định
Tin – Ảnh: Tuyết Mai