TP.HCM xin được ‘tự quyết’ nhiều vấn đề về metro
Chính quyền TP.HCM vừa có kiến nghị gửi Bộ GTVT xin được “tự quyết” về một số thủ tục, cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị (metro).
Metro TP.HCM thiếu cả vốn lẫn cơ chế. Trong ảnh: tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang xây dựng đoạn ngang đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì tiến độ thi công các tuyến metro vốn đang rất ngổn ngang ở TP.HCM sẽ được đẩy nhanh, phục vụ việc đi lại của người dân.
Theo quy hoạch, hiện TP.HCM có tới 8 tuyến metro với tổng chiều dài lên hơn 220km.
Vướng nhiều thủ tục
Trong báo cáo do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký gửi Bộ GTVT về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đã nêu lên những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển đường sắt đô thị ở TP.HCM: thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm.
Thời gian chuẩn bị các dự án mất 2-3 năm, từ khâu đề xuất ý tưởng đến khi ký điều ước quốc tế, nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, theo ông Tuyến, việc quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nhà tài trợ (theo điều ước quốc tế) có sự khác biệt nên mất nhiều thời gian xin ý kiến đồng thuận. Những yếu tố trên làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án metro trên địa bàn TP.HCM.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương
Đề cập tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang triển khai chậm hiện nay, ông Tuyến cho rằng nguyên do là việc tham mưu điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa đúng thẩm quyền.
Theo ông Tuyến, khi điều chỉnh tăng vốn từ 17.388 tỉ lên 47.325 tỉ đồng, đáng ra dự án này phải được Quốc hội phê duyệt, thông qua. Tuy nhiên, hiện việc này chưa thực hiện được.
Một bất cập khác cũng được ông Tuyến nêu ra trong báo cáo là theo Luật đường sắt năm 2017, việc phát triển metro phải phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, đối với các dự án metro có vốn đầu tư hàng tỉ USD, nếu chiếu theo Luật đầu tư công phải được Thủ tướng phê duyệt dự án (những dự án trên 10.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội). Do đó, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Chính vì những khó khăn trên, ông Tuyến đã có báo cáo và đề xuất gửi Bộ GTVT với tinh thần cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.
“Tiếp tục cho phép TP.HCM được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TP.HCM đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định, hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Khi thực hiện thí điểm, TP.HCM phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn và nhạy cảm” – Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 19-10-2017 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020.
“Đồng ý về nguyên tắc việc TP.HCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với TP.HCM trong quản lý điều hành kinh tế – xã hội trên địa bàn. Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội thì tổng hợp, đề xuất, những vấn đề mới phát sinh thì xin đề xuất làm thí điểm” –Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc ngày 6-9-2017 giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM-
Nguồn: Báo Tuổi trẻ online