Luật đặc biệt nhưng giải thích không rõ nên dân bức xúc

     Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng một trong các lí do dẫn đến bức xúc của người dân vài ngày qua là việc giải thích luật chưa rõ, cứ nói chung chung dẫn đến hiểu sai.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trao đổi với báo chí ngoài hành lang Quốc hội sáng 13-6

     “Tôi rất buồn và rất đau xót trước hình ảnh người dân vì bức xúc và bị kích động, lợi dụng mà phá hoại tài sản công, gây tổn thương lực lượng gìn giữ an ninh cho dân”, ông Ngân chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội sáng 13-6.

     “Nhưng qua câu chuyện luật đặc khu có những bài học cần nghiêm túc rút ra. Đối với những luật đặc biệt như thế, chưa được đồng thuận thì phải tổ chức tuyên truyền, công khai dự thảo, lấy ý kiến các ĐBQH và nhân dân một cách thường xuyên, rộng rãi”.

     Bài học từ việc dân chưa hiểu đúng bản chất các luật

     * Nhiều ý kiến cho rằng bản chất việc xây dựng Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng là để đất nước phát triển, nhưng một số điểm trong luật có sơ hở hoặc đã bị bóp méo. Ông có thể lí giải vì sao người dân lại dễ dàng tin thông tin trên mạng hơn là tìm bản chất vấn đề?

     Tôi nghĩ rằng ở đây đã có những nhược điểm nhất định trong công tác tuyên truyền. Chúng ta tuyên truyền bằng báo chí, bằng các kênh vẫn chưa đủ mà phải xuất hiện ngay cả ở trên không gian mạng. Các trang web chính thống phải có tiếng nói mạnh mẽ của các cơ quan tuyên truyền luật pháp, chính Quốc hội cũng phải làm tốt hơn nữa công tác đó.

     Như một số vụ việc vừa qua thì có tình trạng người dân chưa đọc hết nội dung của luật, lại do một số tiêu đề giật gân trên mạng, nên đã hiểu chưa đúng về các quy định của luật đang được bàn thảo. Tôi nghĩ đây là một bài học.

     * Như ông nói thì một trong những lí do dẫn đến các vụ việc người dân bức xúc đi biểu tình vừa qua là do hiểu chưa hết bản chất luật. Có phải công tác lấy ý kiến, quá trình bàn thảo luật và tuyên truyền giải thích luật đã có vấn đề?

     Hiện nay, trước khi ra họp Quốc hội, các dự thảo luật đã có khâu lấy ý kiến các cơ quan đoàn thể, các tầng lớp nhân dân nhưng thực sự việc lấy ý kiến đó có thực sự tâm huyết không thì vẫn còn hạn chế. Với những dự án luật còn quá nhiều ý kiến khác biệt, trái chiều thì Quốc hội nên tổ chức thêm thảo luận trên hội trường để tranh thủ, làm cho rõ. Giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nên gửi sớm trước khi đại biểu bấm nút thông qua, không nên chờ đến ngày bấm nút mới giải trình. Chúng ta tuyên truyền bằng báo chí, bằng các kênh vẫn chưa đủ mà phải xuất hiện ngay cả ở trên không gian mạng.

     Làm rõ điều dân quan tâm trong mỗi luật

     * Bản thân ông nhìn nhận như thế nào về Luật An ninh mạng và Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt?

     Đối với Luật Đặc khu thì Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội và các tiếng nói phản biện để có một bộ luật hoàn thiện, đáp ứng hơn nữa hội nhập, phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân. Đi đôi với đó, chúng ta phải giải thích cho rõ, phải đưa vào luật nội dung để người dân hiểu là yếu tố quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là điều mà nhân dân mong đợi, cũng là yếu tố toát lên sự ưu việt của luật. Vừa qua chúng ta làm thiếu hoặc chưa đủ hàm lượng những điều mà dân quan tâm như thế.

     Luật An ninh mạng cũng phải song song hai nội dung phát triển thông tin trên mạng và đảm bảo an ninh quốc gia. Chúng ta phải đặt mục tiêu tạo lập cho được hệ thống an ninh mạng nội bộ, những nền tảng cơ sở hạ tầng để phát triển thông tin mạng, rõ ràng quan điểm phát triển thông tin mạng phù hợp với thời đại 4.0.

     * Có vẻ như các nội dung “nhạy cảm” trong các luật như chuyện kiểm soát thông tin, những nội dung gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đã bị đẩy lên mà chúng ta chưa có cách giải thích rõ cho dân hiểu?

Việc kiểm soát thông tin thì quốc gia nào cũng làm chứ không riêng nước ta. Vấn đề là chúng ta phải tạo điều kiện để người dân phát triển thông tin trên mạng bởi dòng thông tin này hiện đang rất hay, chứ không chỉ tập trung vào việc kiểm soát. Đối với Luật Đặc khu thì Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội và các tiếng nói phản biện để có một bộ luật hoàn thiện, đáp ứng hơn nữa hội nhập, phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân.

     Đừng để bức xúc của người dân bị dồn nén

     * Bức xúc từ chuyện luật chỉ là một tác nhân trực tiếp, sâu xa là những bức xúc của dân ở địa phương chưa được giải quyết cặn kẽ dẫn đến việc bị dồn nén?

     Tôi cho rằng những vấn đề mà người dân bức xúc, còn khiếu nại thì chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết một cách triệt để, toàn tâm và tập trung giải quyết rốt ráo để tránh tâm trạng bức xúc của người dân bị dồn nén. Ở đây rõ ràng đã có việc tâm trạng bức xúc bị dồn nén, cộng với sự bị lợi dụng.

     Riêng chuyện dân bức xúc về luật thì chúng ta phải làm tốt công tác phổ biến luật, đưa luật vào cuộc sống, phải giải thích rõ bản chất để người dân hiểu, đồng tình và nếu có khúc mắc thì tìm cách gỡ. 

     Các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội phải làm tốt việc này, người đi tuyên truyền phải hiểu về luật.

     * Hiện nay các dự luật khi đưa ra lấy ý kiến đã tham khảo hết người dân, đặc biệt là các nhóm người dễ bị tổn thương bởi các quy định của luật, chưa?

     Hiện nay thì cũng tuỳ. Có những luật phải lấy ý kiến của nhân dân nhưng cũng có những luật chỉ cần lấy ý kiến các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan tổ chức… Các đoàn đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri cũng lắng nghe và phản ánh qua các phát biểu tại kỳ họp.

     Cứ làm cho tốt việc kê khai tài sản đối với cán bộ có chức, có quyền

     Liên quan đến Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đang được Quốc hội thảo hôm nay 13-6, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết ông chưa ủng hộ mở rộng phạm vi yêu cầu kê khai tài sản đối với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

     Các đối tượng này vốn đã được thị trường giám sát, tài sản của doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp đều được hội đồng công ty giám sát, rồi báo chí, sàn chứng khoán thể hiện công khai.

     “Tôi cho rằng hiện nay cứ phải tập trung làm cho tốt công tác kê khai tài sản của cán bộ nhà nước, nhất là các nhóm công chức có chức, có quyền bởi việc này đang làm ảnh hưởng tới tài sản công, tài sản quốc gia. Yếu tố quan trọng nhất của công tác phòng chống tham nhũng là tính minh bạch”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Thái Bá Dũng. Nguồn: Tuổi trẻ online (tuoitre.vn)