Nhiều cuộc chiến bên trong Syria
Cuộc chiến tại Syria đã biến thành thảm họa và giờ đã là cuộc khủng hoảng lôi kéo gần như cả thế giới. Tờ Washington Post đã tóm lược lại cách nó bắt đầu, tại sao nó trở nên quá phức tạp và những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Một cơ sở được cho là nghiên cứu hóa học ở Syria bị tấn công.
Ảnh: Twitter đăng trên Theguardian
Tháng 3-2011, các cuộc biểu tình ôn hòa nổ ra khắp đất nước như là một phần của cuộc nổi dậy mùa Xuân Arab. Các nhà tổ chức đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện cải cách dân chủ, nhưng chính phủ của ông al-Assad đã phản ứng bằng bạo lực. Một số người phản đối đã hợp tác với những phần tử đào ngũ thành lập Quân đoàn Tự do Syria nhằm lật đổ chính phủ. Đến năm 2012, cuộc đấu tranh vũ trang này đã chuyển thành nội chiến đẫm máu.
Đối với Nga, Tổng thống al-Assad là một trong những đồng minh mạnh nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Trung Đông. Nga đã nhiều lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết chống lại Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Năm 2015, Mátxcơva đã thay đổi cục diện cuộc chiến ở Syria qua việc đưa quân sang.
Trong khi đó, Mỹ đã can thiệp vào Syria với 2 lý do chính. Thứ nhất, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu bám rễ tại Syria vào năm 2013. Năm sau đó, Mỹ khởi xướng các cuộc không kích chống lại nhóm khủng bố và rồi đưa quân đổ bộ tham chiến. Khoảng 2.000 lính Mỹ hiện đang được triển khai ở Syria. Thứ hai, Mỹ tuyên bố hành động để trừng phạt chính phủ ông al-Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học như sarin và khí clo đối với thường dân Syria.
Cụ thể, năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi việc sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” có thể thúc đẩy sự can thiệp quân sự. Năm tiếp theo, một cuộc tấn công ở Đông Ghouta đã khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng, theo đánh giá của chính phủ Mỹ là do chất độc sarin. Ông Obama đã đề xuất không kích nhưng Quốc hội không thông qua. Thay vào đó, ông Obama đưa ra một giải pháp ngoại giao. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã ra lệnh cho ông al-Assad phá hủy kho vũ khí hoá học và ký Hiệp ước Vũ khí hóa học, ngăn cấm các quốc gia sản xuất, tàng trữ hoặc sử dụng vũ khí hóa học.
Ngày 4-4-2017, gần 100 người thiệt mạng tại thị trấn phía Bắc Khan Sheikhoun trong một cuộc tấn công được cho là bằng sarin, thu hút sự quan tâm của thế giới. Chỉ vài ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công bằng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân Syria. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ vào Syria trong cuộc chiến.
Một trong những đồng minh chủ chốt của ông al-Assad là Iran. Vì vậy, khi ông al-Assad dường như bị đe dọa, Iran đã giúp sức. Điều này làm cho các đối thủ của Iran trong khu vực như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu. Họ bắt đầu cung cấp vũ khí và tiền cho quân nổi dậy chống chính phủ ông al- Assad, trong đó có cả các tay súng cực đoan. Israel cũng không kích các căn cứ của ông al-Assad. Điều đó có nghĩa hiện đang có rất nhiều cuộc chiến đang diễn ra bên trong Syria: Chính phủ Syria chiến đấu với phiến quân, Israel đang đấu với lực lượng hậu thuẫn Iran, và Mỹ cố gắng tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Vì chiến tranh, các gia đình Syria thiếu thốn từ những thứ cơ bản như thực phẩm, nơi trú ẩn và chăm sóc y tế. Trẻ em không thể đến trường. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, hơn 465.000 người đã thiệt mạng, hơn 1 triệu người bị thương, và 12 triệu người – hơn nửa dân số của đất nước Syria – buộc phải sơ tán, trong đó hơn 5,5 triệu người di cư ra nước ngoài và đăng ký xin tị nạn.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng online