Hành trình về nguồn và sinh hoạt chi đoàn chủ điểm: Địa đạo tam giác sắt một trang sử “chân trần, chí thép”

     Ngày 17/3/2019,  cùng với Đoàn Cơ quan Thành Đoàn, Chi đoàn trường Đoàn Lý Tự Trọng đã có hành trình về  Khu lưu niệm vùng căn cứ kháng chiến Khu đoàn Khu Sài Gòn – Gia Định – nơi  năm xưa các cô chú cán bộ Ban Cán sự Học sinh – Sinh viên, Khu Đoàn, Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định đã sống, sinh hoạt, học tập và chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu thiêng liêng là giành được độc lập, tự do. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng Thanh niên và hướng đến kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019).

     Tại đây, chi đoàn đã tham gia nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích như:  “Ngày lao động Cộng sản” làm cỏ, vệ sinh khuôn viên khu lưu niệm;  giao lưu với các cô, chú CLB Truyền thống Thành Đoàn; đặc biệt là đăng cai tổ chức thành công Lễ kết nạp Đoàn viên cho 10 thanh niên tiên tiến thuộc Đoàn Cơ quan Thành Đoàn. Đây cũng là lớp đoàn viên kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019).

     Mở đầu buổi sinh hoạt truyền thống, đ/c Hoàng Đôn Nhật Tân – Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành Đoàn, Nguyên Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng, Nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên chia sẻ: “Hệ thống địa đạo Tam giác sắt là một công trình vĩ đại vào loại bậc nhất thế giới”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân 3 xã Tây Nam đã bảo vệ vững chắc căn cứ và làm nản chí giặc Pháp khi nhiều lần tấn công vào đây. Thời chống đế quốc Mỹ, nơi này lại ngoan cường cản bước giặc, là vùng đất nguy hiểm đối với chúng. Và “Tam Giác Sắt” là cái tên do chính quân viễn chinh Mỹ đặt (Iron Trianggle) để chỉ một vùng đất mà trung tâm nó hiện trên bản đồ một hình tam giác với đỉnh là thị tứ Bến Súc, thị trấn Bến Cát và một điểm trên sông Thị Tính gần chỗ gặp sông Sài Gòn. Nó bao trùm phần đất liền nhau của 3 huyện Củ Chi – Bến Cát – Trảng Bàng, cách sông Sài Gòn từ 30 – 50 cây số về phía Bắc – Tây Bắc, ở vị trí trung gian giữa 2 chiến khu lớn của miền Đông Nam Bộ, đó là Chiến khu Đ và Dương Minh Châu.

     Thật thú vị khi những cái tên “chân trần”, “chí thép” không phải do chúng ta tự hào đặt tên mà chính kẻ thù khâm phục gọi như vậy.

Đ/c Hoàng Đôn Nhật Tân chia sẻ

     Tiếp lời đ/c Hoàng Đôn Nhật Tân, đ/c Trương Mỹ Lệ – Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Truyền thống Thành Đoàn, Nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn kể về cuộc sống của quân và dân ta trong những ngày tháng sinh sống tại khu Tam Giác Sắt này. Hệ thống địa đạo Tam Giác Sắt thời ấy không chỉ là nơi sinh sống an toàn, mà còn là một hào lũy vững chắc dưới lòng đất, vùng căn cứ địa cách mạng chiến lược, là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ Miền Đông, được xem là “Trạm tình báo giữa lòng địa đạo”, với những cô giao liên vô cùng gan dạ đã cùng quân và dân nơi đây góp phần làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc.

Đ/c Trương Mỹ Lệ kể chuyện

     Ấn tượng về những câu chuyện vui, buồn trong chiến tranh; những minh chứng cho ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ở nơi này chắc chắn sẽ làm chúng tôi nhớ mãi.

     Và chúng tôi , những người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, nguyện sẽ gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống quý báu , viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hôm nay và mai sau.

Chụp hình lưu niệm trước tượng đài Tam giác sắt

Chi đoàn trường Đoàn Lý Tự Trọng

Chi đoàn trường Đoàn Lý Tự Trọng sinh hoạt chủ điểm tháng 3

Cả đoàn chụp hình lưu niệm

Tin bài: Ngọc Bích