Tư duy phong trào

Xin mượn lời kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành đoàn của đ/c Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về hoạt động năm 2010 và chương trình “Năm Thanh niên – 2011”: “Cán bộ Đoàn hiện nay làm sự kiện rất giỏi nhưng dường như thiếu tư duy phong trào!”. Lời phát biểu tưởng nghe đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc trong bối cảnh công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay

TƯ DUY PHONG TRÀO

 

Xin mượn lời kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành đoàn của đ/c Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về hoạt động năm 2010 và chương trình “Năm Thanh niên – 2011”: “Cán bộ Đoàn hiện nay làm sự kiện rất giỏi nhưng dường như thiếu tư duy phong trào!”. Lời phát biểu tưởng nghe đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc trong bối cảnh công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay. Đây là một vấn đề cần được các cấp bộ Đoàn quan tâm “mổ xẻ”, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức phong trào.

Từ lý thuyết đến thực tiễn, cán bộ Đoàn đều hiểu một điều cơ bản: tổ chức phong trào cho thanh thiếu nhi không đơn thuần là một hoạt động vui chơi, giải trí mà luôn lồng ghép trong đó những nội dung hàm chứa công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn. Một hoạt động được tổ chức không có nghĩa chỉ có đông người dự, những cái vỗ tay tán thành, những “cuồng nhiệt” của bạn trẻ là đã thành công. Nếu chỉ dừng ở đó, không nói lên tính phong trào của Đoàn. Hoạt động phong trào thanh niên, thiếu nhi vừa hàm chứa trong đó những mong muốn gởi gắm tính chính trị, tính giáo dục đến đối tượng, vừa là tiền đề cho công tác tập hợp, “lôi kéo”, “dẫn dắt” thanh thiếu nhi đến với tổ chức. Nhìn lại thời gian qua, phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn – Đội vẫn còn tình trạng sau đây: huy động lực lượng đến dự, nghĩa là không xuất phát từ nhu cầu của chính thanh thiếu nhi; sử dụng nhiều đến phương tiện hiện đại, nội dung từ thiết kế đến chương trình mang tính chuyên nghiệp cao nhưng lại thiếu hình ảnh mang tính truyền thống của Đoàn, “hình dáng” của đoàn viên, thanh niên; thường chạy theo các “thị hiếu” đơn thuần của xã hội mà không chuyển tải nội dung giáo dục, tuyên truyền của tổ chức; cũng có khi hoạt động phong trào chỉ mang tính “chiếu lệ” cho xong việc được giao…

Gần đây, có nhiều đơn vị của Đoàn đứng ra mang danh nghĩa là tổ chức phong trào, các hoạt động vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi dưới hình thức games show dưới sự tài trợ của các đơn vị doanh nghiệp. Những hoạt động đó khi nhìn vào cũng dễ bị lầm tưởng “phong trào đang có sức sống mới”. Nhưng đào sâu để tìm hiểu thì thấy nội dung “nghèo nàn”, không có giá trị giáo dục cao, đáp ứng số ít thanh thiếu nhi tham gia và có phần theo khuynh hướng “quảng cáo sản phẩm” của nhà tài trợ… Có khi lại là những hoạt động phong trào theo kiểu “ăn theo” trào lưu và nhu cầu của xã hội bằng các loại chương trình du lịch, chương trình huấn luyện kỹ năng… nhưng cái giá tham gia chương trình không rẻ, không phải dành cho rộng rãi các đối tượng tham gia. Những hoạt động như thế làm “méo mó” cái nhìn về tổ chức Đoàn – Đội, không thể dễ dãi với cách nhìn gọi là “xã hội hóa”, để rồi đằng sau đó vẫn có “lợi nhuận”, có yếu tố kinh tế làm đánh mất đi giá trị giáo dục của tổ chức, của phong trào thanh thiếu nhi.

Nói đến tư duy phong trào, một hoạt động do Đoàn – Đội tổ chức phải có sức hút tự thân của nó đối với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi. Để làm được điều này, người cán bộ Đoàn cần phải tư duy nội dung hoạt động sao cho hợp lý, cách thiết kế lồng ghép đối tượng “diễn viên” cũng chính là đoàn viên, thanh niên. Sân chơi của Đoàn phải làm cho đoàn viên thật sự yêu thích và tham gia bằng chính tình cảm của mình, chứ không vì “yêu cầu” của cấp trên. Hoạt động phong trào của Đoàn phải thể hiện ở số đông đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia, chứ không chỉ tổ chức ra cho vài chục người tham dự theo kiểu “chất lượng cao” “hàn lâm”…

 

Cán bộ Đoàn cần phải suy nghĩ đến nội dung hoạt động mang giá trị chiều sâu, tính giáo dục được đặt lên hàng đầu, rồi đến tính quy tụ, tập hợp thanh niên. Hoạt động phong trào của Đoàn tổ chức ra phải mang tính hiệu triệu, có sút hút lan tỏa, có ý nghĩa dài lâu, để lại trong thanh thiếu nhi những ấn tượng sâu sắc, chứ không chỉ thỏa mãn những nhu cầu vui, buồn thông thường hàng ngày. Nói đến những yêu cầu như thế, mới thấy hoạt động phong trào của Đoàn không dễ như mọi người thường thấy, cũng dễ bị lầm tưởng “đàn ca hát xướng” đã là phong trào thanh niên. Điều đó cho thấy, việc làm sự kiện thì dễ trong điều kiện hiện đại ngày nay nhưng đích đến của Đoàn vẫn phải là những phong trào đích thực mang tính chiều sâu. Vì vậy mà cán bộ Đoàn cần tập “tư duy phong trào” hơn là làm sự kiện! Đó mới là bản lĩnh, cái tầm người cán bộ Đoàn ngày nay.

Vũ Anh Tuấn

– Hiệu Trưởng trường Đoàn Lý Tư Trọng