Trường Đoàn trong tôi

Tôi vẫn nhớ nhiều năm về trước, khi là một học sinh cấp ba, được tiếp xúc với công tác Đoàn thanh niên rồi trở thành một cán bộ đoàn THPT, tôi từng nhớ các anh chị cán bộ Đoàn đi trước hay nhủ rằng “Cấp 3 là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, được là một cán bộ Đoàn THPT là điều hạnh phúc và được đi tập huấn tại trường Đoàn Lý Tự Trọng là một điều may mắn và tuyệt vời”. Câu nói ấy đã đi theo tôi suốt tôi suốt những năm khi là một cán bộ đoàn, tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm “đặc biệt ” tại ngồi trường Đoàn Lý Tự Trọng thân yêu mà tôi có thời gian gắn bó không phải là quá dài, cũng không phải là quá ngắn. Một ngôi trường với tôi và nhiều thế hệ cán bộ Đoàn là danh giá, là truyền thống, một ngôi trường mà nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ đoàn đã trưởng thành từ đó.

Ngôi trường tôi “trường Đoàn Lý Tự Trọng” đang chuẩn bị rất kỹ cho một ngày lễ lớn – Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường. Lễ kỷ niệm thành lập trường năm nay là một ngày rất đặc biệt của tất cả thế hệ thầy cô và học viên. Bốn mươi lăm năm không nhiều nhưng đủ dài để biết bao nhiêu thế hệ học viên biết tôn vinh những hi sinh, nỗ lực của mọi thế hệ giáo viên; để các thế hệ học viên hiểu được có một ngôi trường Đoàn Lý Tự Trọng như hôm nay là một chặng đường dài, trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó khăn.

Dịp kỷ niệm 45 năm đúng vào những ngày cuối xuân của đất nước, có nhiều thế hệ các thầy cô, các cán bộ viên chức, các cựu học viên đang say mê cống hiến sức lực của mình. Tôi đang tự nghĩ rằng có lẽ có nhiều thế hệ học viên đang nhớ – nao lòng tiếc nuối về một thời gian đã qua, nao lòng khi nghĩ đến những người đã từng yêu thương, truyền thụ tri thức và bài học cuộc sống cho mình ở trường cũ, nao lòng nhớ những người chèo đò thầm lặng, có người vẫn còn và người đã ra đi.

Tôi vẫn còn nhớ như in, khi bước vào cái cổng ấy, như bao thế hệ học viên đã đi qua, trong tôi đã mang một khao khát, những mơ ước như những người anh, người chị, những người thầy mà dẫu chưa một lần gặp mặt, chưa một lần tiếp xúc nhưng lại là những tấm gương mà tôi luôn dặn lòng mình phải học hỏi, như: cô Huỳnh Thị Thu Hương, cô Nguyễn Thị Hiền, thầy Lê Văn Minh, thầy Nguyễn Chua, thầy Huỳnh Văn Toàn, thầy Hoàng Trọng Tiến, …

Thời gian cứ vậy thấm thoắt trôi qua, với tôi được học tập và làm việc tại trường Đoàn lý Tự Trọng là một cơ duyên, là một niềm hạnh phúc mà tôi may mắn có được, gắn bó với các lớp tập huấn cán bộ Đoàn THPT từ giữa năm 2004, các kì trại tập huấn của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu – CLB đội nhóm trưởng, rồi là học viên lớp D, giờ đây tôi là giáo viên – giáo viên Khoa Kỹ Năng.

Tôi đến với trường Đoàn Lý Tự Trọng, đến với khoa Kỹ Năng, trở thành giáo viên là một cơ duyên. Những năm gắn bó trước đây với trường Đoàn, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đến với những điều này, khi tôi trở thành giáo viên trường Đoàn Lý Tự Trọng, đây là điều mà tôi cảm thấy vui và tự hào.

Tôi đứng trên bục giảng, từ một học viên tôi đã trở thành giáo viên. Rồi việc dạy học cũng biết bao nhiêu điều vui buồn, nhiều tình huống mà tôi chưa bao giờ được gặp hay được học để biết. Tôi ban đầu mò mẫm, làm theo cái kiến thức, cái tâm mà tôi được nhiều thầy cô cùng anh em giáo viên trong khoa hướng dẫn. Tôi đứng trên giảng đường với một tư thế hoàn toàn khác mang trên vai một sứ mệnh lớn lao. Ngày xưa học viên thì tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng tuyệt đối không hồi hộp. Hiện tại tuyệt đối không tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng lại vô cùng hồi hộp, mỗi lần đến với các lớp đào tạo mới, các thế hệ học viên mới, tôi hồi hộp vì chẳng rõ mình sẽ gặp những bạn như thế nào? Họ cần gì, muốn gì? Họ mang những tâm tư gì vào lớp học? Mục tiêu họ muốn đạt tới là gì? Chừng ấy câu hỏi làm tôi – một giáo viên trẻ của trường – phải trăn trở về những gì sẽ làm, sẽ truyền đạt. 

Gần đây có nhiều người nói về “nghề giáo” nhiều quá. Nói hay thì mình thấy vui mừng mà những lời nói không hay thì mình thấy ấm ức. Nhưng hàng ngày được lên lớp, được tiếp xúc, được truyền thụ kiến thức, rồi chia sẻ về cuộc sống thực tiễn với các bạn học viên, tôi thấy vui, hạnh phúc.Tôi thấy nghề này phù hợp với mình và nghề này sẽ sống với mình, đúng là cái duyên thực sự rồi. Ngẫm cho cùng thì sự đúng sai, nghèo khổ cũng chỉ là tương đối, có chăng là do cách nhìn nhận của mỗi người mà thôi. Mình nhìn nghề giáo thế nào nhỉ? Nghề giáo có niềm vui, cái niềm vui nghe thật lạ lùng nhưng quả thật sẽ chẳng có niềm vui nào có thể vui hơn thế. Đó là vui về sự khôn lớn, về sự trưởng thành của những thế hệ học viên của mình và của chính bản thân mình… vui vì người khác vui. Nghề giáo có “của để dành” . Đó chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, người ta vẫn giữ cho nhau giữa xã hội xô bồ.

Rồi tôi lần lượt được học các lớp tập huấn, học từ những người thầy, người anh, từ những kinh nghiệm, của những thầy cô đi trước, những “bậc tiền bối”. Những điều đó như một hành trang làm cho tôi vững vàng khi lên lớp hay ngoài lớp khi tiếp xúc với học viên. Những điều đó đã cho tôi rất nhiều điều bổ ích và tôi chợt nhận ra rằng những điều mình đã và đang làm cũng tương tự điều đó chỉ là có thể chưa đúng theo trình tự mà thôi, và tôi nghiệm được một điều rằng, cứ làm đi, bạn sẽ đi đúng đường nếu làm theo cái tâm, cái đức và sự nhiệt huyết của mình. Thực tế có rất nhiều điều xảy ra mà đôi khi mình lường chưa hết được, mình phải còn học rất nhiều phải linh hoạt và mềm dẻo tương ứng với mỗi một tình hướng, mỗi một hoàn cảnh.

Và có lẽ điều quan trọng nhất đối với tôi bước vào nghề đó là tôi được sống trong một ngôi trường Đoàn Lý Tự Trọng giàu truyền thống, môi trường thuận lợi, một tập thể đoàn kết, một khoa Kỹ Năng với những giáo viên giàu kinh nghiệm, hết lòng vì đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm.

Cái tâm đắc nhất theo tôi là “lương tâm, trách nhiệm” của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên đối với học viên. Bản thân họ không chỉ là người dạy, người quản lý mà còn là người phục vụ tận tình, tâm huyết với người học. Để có lương tâm trước hết người thầy phải có “đạo đức, nghề giáo”; như Hồ Chủ tịch căn dặn: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản thì còn làm nổi việc gì”. Cho nên Người thường khích lệ, động viên giáo viên và những cán bộ giáo dục phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình cảm tốt đẹp trước hết là tình thương yêu người ruột thịt, yêu bạn bè, đồng chí, yêu thầy cô giáo, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; hình thành ý thức, tổ chức kỷ luật, ý thức tập thể, lối sống thật thà, khiêm tốn, trung thực, giản dị, biết xử sự theo tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đối với phương pháp giáo dục, Người đã từng căn dặn phải giáo dục bằng tình thương yêu, hiểu biết lẫn nhau và bằng tình đoàn kết gắn bó. Người Thầy phải là người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.  

Tôi là thế hệ đi sau, không được nhìn thấy được những ngày đầu thành lập trường, chỉ được nghe kể qua những thế hệ đi trước, nhưng tôi có thể cảm nhận được một phần nào nỗi khó khăn, cũng như sự nổ lực hết sức mình để vượt qua đươc những ngày đầu khó khăn. Họ đã trải qua những nốt thăng trầm cùng ngôi trường này, họ đã từng là những người thầy vừa là những cán bộ tuyên huấn, những chiến sĩ cách mạng trong những giai đoạn tưởng một mất một còn. Rồi cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực lớn lao, sự tâm huyết, với sự giúp đỡ của cấp trên, những người thầy người cô ở trường Đoàn đã cùng nhau tạo nên thương hiệu. Đó là những học viên vững vàng kiến thức, thạo kỹ năng, giỏi lý luận, những thế hệ cán bộ Đoàn “Gương mẫu”, “Trách nhiệm”, “Gần gũi, gắn bó mật thiết với thanh niên”. Thấm thoắt thời gian đã trôi qua, đội ngũ Cán bộ, Giáo viên có những thầy cô mới về công tác tóc vẫn còn xanh nay đã điểm bạc, những thầy cô giáo viên trẻ. Khi được làm việc với họ tôi cảm nhận được các mối quan hệ cá nhân lành mạnh có tác dụng nên mối quan hệ lành mạnh trong tập thể. Các mối quan hệ cá nhân được xây dựng dựa trên sự hiểu biết, sự thông cảm lẫn nhau và dựa trên những mục tiêu chung của tập thể. Những thầy cô đi trước chính là người giúp tôi hiểu được rằng làm người thầy luôn phải quan tâm “Dân chủ – Kỷ cương -Tình thương – Trách nhiệm”. Có thể nói để xây dựng được các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Hiệu trưởng với các giáo viên, nhân viên và giữa các cán bộ giáo viên với nhau cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản: cởi mở, tôn trọng, chân thành, tin tưởng nhau, đối xử công bằng, biết đánh giá, biết sử dụng đúng người đúng việc, biết động viên khuyến khích và khen ngợi người khác đúng lúc và kịp thời.

Những thế hệ trước đã làm được những điều thật tuyệt vời, thế hệ chúng tôi, thế hệ trẻ phải làm sao để tiếp tục sự nghiệp đó. Thế hệ hôm nay phải làm cho ngôi trường này là nơi dạy học hiện đại, đáp ứng được các nhu cầu của thanh niên trong thời đại xã hội hiện nay, theo cuốn sách “Dạy học hiện đại và nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên” (Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, 2013) thì  “có nền giáo dục tốt sẽ giải quyết được những thách thức do các vấn đề của thời đại đem lại như: mối quan hệ giữa lâu dài và trước mắt, giữa toàn cầu và địa phương, giữa truyền thống và hiện đại, giữa toàn cầu và cá thể, giữa cạnh tranh và bình đẳng cơ hội, giữa khối lượng tri thức ngày càng tăng và khả năng nhận thức của con người có hạn, giữa tinh thần và vật chất. Nền giáo dục tốt sẽ đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường sức lao động đầy biến đổi trong xã hội hiện đại”.

Là cương vị của người thầy, chúng ta hãy mở rộng “vòng tay tình bạn” nối liền đến trái tim học viên. Hãy coi học viên là những người bạn để sẻ chia, để đồng cảm để từ đó mới có thể phác hoạ được chân dung đời sống tâm hồn của học viên. Dạy học phải truyền cả niềm tin, cảm hứng chứ không phải là một khối lượng kiến thức đơn thuần.

Chúng ta hãy thực sự là một đạo diễn vừa là diễn viên trên sân khấu nhưng đồng thời cũng thể hiện là người anh, người chị, người bạn chân thành của các bạn học viên, hãy vừa là nhà giáo nhưng cũng cần trở thành một nhà tư vấn tâm lí, người bạn đồng hành củng các bạn.

Rồi những ngày đặc biệt như thế này sẽ trôi qua, nhưng nó lắng lại trong mỗi thầy, mỗi cô, mỗi học viên các thế hệ những điều thật sâu sắc và rồi để nhớ, tri ân và thì thầm lời biết ơn sâu sắc nhất tới thầy cô đã đang và sẽ tiếp tục chèo lái con tàu trường Đoàn Lý Tự Trọng đi đến bến bờ của tri thức, của tình người và của sự nghiệp giáo dục đào tạo cán bộ Đoàn – Hội – Đội của thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đây là một vài điều tâm sự của bản thân tôi, cũng là cảm nhận của bản thân tôi sau gần hai năm công tác tại trường. Cảm ơn các Thầy cô, các cán bộ viên chức, các bạn học viên đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của một người giáo viên trong thời gian qua.

Chắc hẳn những ngày tháng này, hòa trong không khí háo hức, vui tươi khi ngày Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Đoàn Lý Tự Trọng sắp đến, chúng tôi những thầy cô giáo kì cựu, những giáo viên trẻ, và các bạn học viên các thời kì đang háo hức tham gia các hoạt động chào mừng ngày kỷ niệm thành lập trường. Có nhiều thế hệ học viên đã rời khỏi mái trường này từng chia sẻ rằng những năm tháng ở đây sẽ luôn khắc ghi trong trái tim họ, để dù đi đâu về đâu, vẫn nhớ “nhớ những tiếng hát reo vui sân trường, nhớ hương hoa ngọc lan, nhớ những đêm lửa trại bập bùng đêm đêm, nhớ những ngày bạn bè bên nhau, truyền tay hơi ấm, nhớ những ngày chia tay… ngẫm lại .. và giờ ai hay”. Vậy nhưng tôi tin rằng những gì thuộc về kỷ niệm thì vẫn luôn đọng lại đó, nơi trái tim tôi, trái tim những người bạn, nơi bục giảng ấy, lớp học ấy, sân trường ấy, không bao giờ biến mất. Và những thế hệ học viên sau này, những người sẽ tạo nên những thành tích mới, những niềm tự hào mới cho các hoạt động, chắc hẳn cũng sẽ như tôi, như những người anh người chị đi trước, như những ai đã “trót” yêu trường Đoàn Lý Tự Trọng nhiều đến vậy.

45 năm – một chặng đường thật dài và cũng đủ để mỗi con người từng gắn bó với nơi đây tự hào khi nhìn lại. Là một người từng là học viên, giờ đây là một giáo viên, tôi vẫn mong rằng các thế hệ giáo viên trường Đoàn Lý Tự Trọng sẽ tiếp nối những truyền thống, thành tích đã đạt được trong 45 năm qua. Và dẫu 50 năm, 60 năm hay nhiều hơn nữa, trường Đoàn Lý Tự Trọng vẫn sẽ là nơi phát triển, đào tạo các thế hệ cán bộ Đoàn – Hội – Đội, là nơi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ Đoàn giỏi của thành phố mang tên Bác Hồ.

Tác giả: Trần Nam Anh

(Giáo viên Khoa Kỹ Năng – Trường Đoàn Lý Tự Trọng)

 Ảnh: Tư liệu

* Bài viết tham gia cuộc thi viết với chủ đề “Trường Đoàn trong tôi” nhân kỷ niệm 45 năm thành lập trường Đoàn Lý Tự Trọng.