Ánh sáng của con

          Mẹ tôi sinh năm 1952, tại làng Cẩm Văn, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, mẹ cùng gia đình bám đất giữ làng. Đến tuổi thanh niên, mẹ lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân ở xã Điện Hồng, đi đầu trong những đợt đấu tranh chống lại tội ác của Mỹ – Nguỵ. Nhiều lần mẹ bị bắt tra tấn rất dã man. Năm 21 tuổi, trên đường làm nhiệm vụ, mẹ bị nổ mìn bị thương nặng, thương tật 61%. Thế nhưng bom đạn và đòn roi không khuất phục được người thanh niên yêu nước và kiên định với lý tưởng. Tuổi trẻ của mẹ không khác gì tuổi trẻ những người cùng thời mà nhà thơ Tố Hữu từng mô tả:

“ Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em – người con gái anh hùng”

          Với ý bất khuất, mẹ tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân. Năm 1974, mẹ được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 22 tuổi.

         Chứng tích cho quá khứ hào hùng của mẹ tôi là tấm Huân chương kháng chiến hạng 3, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, là những vết thương cứ chực chờ trái trời lại đau nhức, là những mảnh đạn còn sót lại dưới da. Mẹ vẫn bảo tôi thời thế tạo anh hùng, sống trong hoàn cảnh chiến tranh thì chúng ta phải chiến đấu. Nhưng tôi biết, đứng giữa sự sống và cái chết, vẫn có những người tản cư khỏi vùng kháng chiến. Chỉ những ai thực sự có lý tưởng và thề sống chết với lý tưởng của mình mới “một tấc không đi, một ly không rời”.

          Trong chiến tranh mẹ anh hùng là thế, hoà bình lập lại mẹ tiếp tục làm công tác thanh niên. Hồi mới giải phóng, thanh niên tản cư ở Đà Nẵng quay về làng làm ăn. Lại còn một bộ phận thanh niên từng đi lính cho chế độ cũ cũng về làng cày cuốc. Người nữ bí thư xã đoàn sắc sảo của tôi đã vận động không biết bao nhiêu thanh niên giác ngộ lý tưởng Cách Mạng. Ngày đi làm, tối đến, mẹ đi từng xóm tập hợp thanh niên lại để vận động, tuyên truyền.

          Tuổi thơ của tôi lớn lên trong những câu chuyện kể về thời chiến tranh bom đạn. Ở đó có đau thương, mất mát nhưng cũng thật hào hùng. Mẹ sớm dạy cho tôi về truyền thống của gia đình. Những lần đưa tôi đi thắp nhang mộ ông ngoại và cậu trong nghĩa trang liệt sĩ, mẹ dạy cho tôi về sự hy sinh. Tuổi thơ của tôi đã sớm thuộc nhiều bài thơ viết về thời kháng chiến, về lý tưởng. Mỗi khi tôi gặp khó khăn, mẹ lại đọc bài thơ Nhóm lửa của Bác Hồ để khích lệ tôi:

“Lúc hiu hắt bắt đầu nhóm lửa
Biết bao nhiêu là sự khó khăn
Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân
Cũng lo sợ có khi tắt mất
Nghi ngút khói mặc dù thổi quạt
Che một bên lại tạt một bên
Khi lửa đà chắc chắn bén lên
Thì mưa gió chi chi cũng cháy”

          Mẹ tôi rất kính phục bác Hồ. Không chỉ dùng lời Bác dạy làm phương châm sống và làm việc, mẹ còn sớm dạy tôi về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ hồi tôi học tiểu học, mẹ được dịp đi tham quan Hà Nội. Quà mẹ mua về cho con nhỏ chẳng phải kẹo bánh, quần áo như người ta mà là một bộ sách “Chuyện kể về Bác Hồ”. Sau này, tôi đem nhiều câu chuyện trong bộ sách tham gia thi kể chuyện ở địa phương và đạt giải. Tiêu chuẩn dạy dỗ tôi của mẹ cũng xuất phát từ câu nói của Bác: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Mẹ tôi có phần coi trọng chữ đức hơn chữ tài. Mặc dù suốt 12 năm học phổ thông tôi đều đạt học lực giỏi và có nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến cấp Quốc gia, nhưng đối với mẹ tôi, nếu hạnh kiểm mà không tốt thì coi như chẳng có gì cả. Năm tôi học lớp 10, có một buổi tôi đi học quên mang giày quai hậu bị thầy kiểm tra và buộc viết bản kiểm điểm, mẹ biết chuyện liền nói với tôi rằng: “Mẹ thà con học lực trung bình mà hạnh kiểm tốt, còn hơn con học lực giỏi mà hạnh kiểm không tốt”. Mẹ tôi là thế, yêu thương tôi hơn cả cuộc đời mình nhưng lại rất nghiêm khắc trong việc rèn giũa nhân cách cho tôi.

          Mẹ tôi cũng là tấm gương sáng đảng viên đầu tiên soi rọi cho cuộc đời tôi. Ở quê nhà, mẹ nhận được sự tín nhiệm của rất nhiều người. Mẹ hướng dẫn nhiều bác từng chiến đấu với mẹ trong chiến tranh làm hồ sơ hưởng các chế độ theo quy định của nhà nước. Đến tận bây giờ, mẹ tôi đã 68 tuổi và không còn làm công tác chính sách đã mấy chục năm, nhưng mỗi khi nhà nước có chính sách mới hỗ trợ cho thương bệnh binh, người có công với Cách Mạng thì nhà tôi lại có người đến nhờ mẹ hướng dẫn khai hồ sơ. Bởi người dân quê vẫn cần lắm sự thấu hiểu của một người cùng thế hệ, sự kiên trì và cả sự tinh tường trong việc đọc hiểu các chính sách mới để hướng dẫn lại cho bà con. Vì được bà con tin yêu, mẹ cũng là người tiên phong đi đầu trong vận động bà con nhân dân thực hiện nông thôn mới. Dù đã 68 tuổi, mẹ tôi vẫn là đoàn viên danh dự của chi đoàn, khách mời của xã trong những dịp chia sẻ về truyền thống quê hương.

          Năm tôi 17 tuổi, tôi đề xuất với thầy Bí thư Đoàn trường THPT rằng tôi muốn phấn đấu vào Đảng để tiếp nối truyền thống của gia đình. Trải qua quá trình rèn luyện và phấn đấu, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Đối với mẹ tôi, đó là niềm tự hào của mẹ. Đối với tôi, đó là lòng tri ân sâu sắc của tôi đối với gia đình và với mẹ, ánh sáng của cuộc đời tôi.

          Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên.” Bây giờ, khi đã lớn, tôi nhận được sự giáo dục về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nhà trường đến xã hội. Nhưng những bài học về Bác Hồ từ mẹ – người thầy đầu tiên của tôi, cũng là tấm gương sáng để tôi noi theo luôn là những bài học có giá trị và đi cùng năm tháng.    

Bà Phạm Thị Bảy – nhân vật trong bài viết, Nguyên Bí thư xã Đoàn xã Điện Hồng,
trưởng Ban Thương binh xã hội xã Điện Hồng (Điện Bàn, Quảng Nam). 

Hạnh Phạm

(Bài viết đạt giải Hội thi viết “Gương sáng làm theo lời Bác”
do Đảng ủy Cơ quan Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2017).