Từ Ánh sáng văn hóa hè đến phong trào tình nguyện thời kỳ mới

Mùa hè này đánh dấu kỷ niệm 20 năm các chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên thành phố. Chúng tôi xin tìm hiểu bối cảnh ra đời và những nét chính về chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994, chiến dịch khởi đầu cho phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố 20 năm qua.

Mùa hè này đánh dấu kỷ niệm 20 năm các chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên thành phố. Chúng tôi xin tìm hiểu bối cảnh ra đời và những nét chính về chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994, chiến dịch khởi đầu cho phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố 20 năm qua.


 

Từ Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994…

Nhìn lại công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố từ năm 1975 đến nay, có thể thấy những phong trào đã ghi dấu ấn to lớn trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố. Đó là phong trào bài trừ văn hoa phẩm đồi trụy những ngày đầu giải phóng thành phố, sự ra đời của Lực lượng Thanh niên xung phong năm 1976 (lúc này trực thuộc Thành Đoàn) với phong trào lên rừng xuống biển, xây dựng quê hương mới. Trong những năm 1980, cùng với sự phát triển mạnh của Lực lượng Thanh niên xung phong ở vùng sâu, vùng xa, tại thành phố, các mô hình “Tổ máy thanh niên”, phong trào “Rèn tay nghề, thi thợ giỏi” ra đời và phát triển.


Tháng 6/1992, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI đã đúc kết và nhân rộng phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và phong trào “Tuổi trẻ giữ nước”, tiêu biểu cho ý chí và hoài bão của tuổi trẻ xung kích xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là định hướng phát triển trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố trong những năm 1990, là giai đoạn ra đời nhiều mô hình mới như sự ra đời của Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên thành phố và sự phát triển của hoạt động công tác xã hội, sự ra đời của Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên với phong trào trợ vốn, trợ nghề cho thanh niên mưu sinh, lập nghiệp; sự hình thành các quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn…

Từ năm 1975 cho đến những năm 1990, thành phố cùng cả nước phải vượt qua rất nhiều khó khăn để ổn định tình hình kinh tế – xã hội và thực hiện mục tiêu phát triển. Một trong những vấn đề bức xúc của thời kỳ đó là tủ lệ mù chữ trong nhân dân nói chung, đặc biệt là thanh thiếu niên vẫn còn cao. Tại Chỉ thị số 10-CT/UB ngày 26/3/1992, Ủy ban Nhân dân thành phố đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 1995, thành phố cơ bản hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập cấp 1 theo tiêu chuẩn quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn chung, Đoàn TNCS Thành phố tiếp tục thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của mình trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của thành phố, đồng thời tìm tòi phương thức mới để đổi mới và phát triển công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Chính trong bối cảnh và yêu cầu đó, mô hình chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè ra đời năm 1994 từ sáng kiến của Đoàn trường Đại học Sư phạm, được Thành Đoàn đã chọn nhân rộng trong toàn thành, mở đầu cho hoạt động tình nguyện tập trung thành chiến dịch qui mô lớn của thanh niên thành phố trong thời kỳ đổi mới, trở thành phong trào có sức sống lâu dài, hấp dẫn với thanh niên, tạo sự đồng tình, ủng hộ lớn của xã hội. Chiến dịch Ánh sáng văn hòa hè năm 1994 đã đặt nền móng cho phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố thời kỳ mới, nhanh chóng lan rộng và phát triển thành nhiều chiến dịch tình nguyện sau đó.

Sáng ngày 5/7/1994, 740 chiến sĩ là sinh viên thuộc 10 trường đại học,cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố đã ra quân thực hiện chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994 tại 11 xã trên địa bàn huyện Bình Chánh, nơi có tỷ lệ mù chữ cao lúc bấy giờ. Trong gần ba tháng hè, các chiến sĩ tình nguyện đã tổ chức lớp và trực tiếp giảng dạy, xóa mù cho 483 người ở mức 1 và 504 người ở mức 2 (theo chuẩn xóa mù lúc đó).

Trong những năm tiếp theo, chiến dịch phát triển nhanh, với sự tham dự của 2.110 chiến sĩ vào năm 1995 và 2.469 chiến sĩ vào năm 1996. Các con số tương ứng vào năm 2000 là hơn 13.000 chiến sĩ và năm 2005, năm đỉnh cao của phong trào, là 132.000 chiến sĩ. Từ địa bàn huyện Bình Chánh, chiến dịch được mở rộng ra các huyện Ngoại Thành, đến cả huyện Đồng Phú (tỉnh Sông Bé cũ, nay là Bình Phước).

… đến phong trào tình nguyện thời kỳ mới

Không dừng lại ở công tác xóa mù chữ, các hoạt động tình nguyện từng bước được mở rộng, năm 1997, chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè được mở rộng quy mô, địa bàn và lực lượng, đổi tên thành chiến dịch Mùa hè xanh. Với nội dung phong phú hơn, hình thức đa dạng hơn, chiến dịch Mùa hè xanh tham gia thực hiện các mục tiêu mang tính toàn diện, từ xây dựng cầu đường nông thôn đến hoạt động bảo vệ môi trường, từ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông thôn, vùng sâu, vùng xa đến mắc điện kế, xây dựng các điểm sáng văn hóa… Cùng với việc mở rộng nội dung với lực lượng đông hơn là việc mở rộng địa bàn đến các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, hai nước bạn Lào và Campuchia.

Trong 20 năm qua, nhiều hình thức hoạt động tình nguyện mới với nội dung đa dạng đã được bổ sung, góp phần làm phong phú hơn phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố. Các hoạt động: Ngày chủ nhật xanh, ngày thứ bảy tình nguyện, chiến dịch tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trí thức trẻ tình nguyện phục vụ vùng sâu vùng xa, Bác sĩ về làng, hiến máu nhân đạo, chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng của thanh niên công nhân, Chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh của thanh niên lực lượng vũ trang, chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ của học sinh và giáo viên trung học phổ thông… đã góp phần tích cực vào sự phát triển của cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội với sự tham gia tự giác của đông đảo thanh niên, làm chuyển biến tích cực đời sống cộng đồng.

Các hoạt động tình nguyện được tổ chức thường xuyên, liên tục, rộng khắp các đối tượng; đáp ứng yêu cầu của địa phương, đơn vị, nhu cầu xã hội, phát huy khả năng chuyên môn của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thông qua hoạt động tình nguyện, thanh niên thành phố được thử thách, rèn luyện, cống hiến, tự khẳng định mình và trưởng thành. Các chiến dịch tình nguyện, đề án, công trình thanh niên đã trở thành hình ảnh đẹp và nhận được sự quan tâm của xã hội, sự tham gia thực hiện của đông đảo thanh niên thành phố, trở thành động lực trong hoạt động của nhiều đối tượng thanh niên và xã hội.

Về địa bàn hoạt động tình nguyện, thanh niên tình nguyện TP.HCM không chỉ tham gia tổ chức hoạt động trên địa bàn thành phố mà còn mở rộng phạm vi ra nhiều tỉnh thành trên cả nước và nước bạn Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Ngược lại, phong trào tình nguyện cũng đã thu hút một lượng lớn các bạn thanh niên quốc tế, du học sinh, Việt kiều về cùng tham gia hoạt động tình nguyện cùng thanh niên thành phố.

Nội dung hoạt động tình nguyện đa dạng, phong phú và dần đi vào chiều sâu, phát huy tối đa chuyên môn của thanh niên trong việc đáp ứng nhu cầu thiết thực, cấp bách của người dân và xã hội như tham gia xây dựng cầu giao thông nông thôn, nhà tình nghĩa, tình thương, khám chữa bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ năng Đoàn – Hội, dạy ngoại ngữ – tin học cho thanh niên,… Đặc biệt, với chủ trương đẩy mạnh phương thức tổ chức thực hiện thông qua việc thành lập các đội hình chuyên, từ cấp thành đến cơ sở đã nở rộ đa dạng các đội hình chuyên môn mang tính cơ động cao, phát huy chất xám của thanh niên và nguồn lực của xã hội.

Chưa bao giờ kiến thức chuyên môn của sinh viên học sinh – công nhân lao động… được áp dụng triệt để trong chiến dịch như vậy: mỗi năm có đến hàng trăm đội hình chuyên đi sâu vào các lĩnh vực của cuộc sống, từ những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân như: nước sạch, an toàn điện gia dụng, đến rộng hơn là phát triển kinh tế xã hội của một vùng, nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất tăng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Đội hình chuyên đã khẳng định là một hướng đi đúng.

Hiệu quả kinh tế mang lại từ các hoạt động tình nguyện bước đầu góp phần giải quyết một số vấn đề cụ thể của từng địa phương, từng ngành, của thành phố và các tỉnh. Hiệu quả xã hội từ hoạt động tình nguyện là khá cao. Thanh niên thành phố, bằng những hoạt động tình nguyện đã để lại những dấu ấn đẹp, củng cố niềm tin của nhân dân và lãnh đạo thành phố đối với thanh niên. Các hoạt động hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện bộ mặt đời sống xã hội. Và hoạt động tình nguyện trở thành phương thức tập hợp thanh niên đạt hiệu quả cao, thu hút đông đảo thanh niên tham gia một cách tự giác, bằng cả khả năng và chuyên môn của mình. Từ 700 sinh viên tham gia năm 1994, đến những năm gần đây, hàng năm, chiến dịch tiếp nhận được hàng trăm ngàn thanh niên tham gia với gần 2 triệu ngày công lao động, tạo ra giá trị kinh tế xã hội khoảng 20 tỷ đồng.

Kết quả của các chiến dịch tình nguyện, của phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng không chỉ dừng lại ở các số liệu mà qua các hoạt động này, tính tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tinh thần trách nhiệm của thanh niên đối với cộng đồng ngày càng được khẳng định rõ nét hơn, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa; tạo sức lan tỏa trong nhiều tầng lớp nhân dân và sự đồng tình ủng hộ của chính quyền các cấp.

Mai Hồng

Theo bản tin hè số 1